Ngành chế biến gỗ trước thách thức hội nhập.
Mặc dù đang đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ với kim ngạch năm 2014 đạt 6,23 tỷ USD nhưng nước ta vẫn phải nhập lượng lớn gỗ nguyên liệu. Điều này nếu kéo dài sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của ngành cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước.
Cơ hội nhiều
Việc Việt Nam kết thúc đàm phán 2 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và FTA Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tạo sự cạnh tranh cho hàng nội địa thông qua giảm thuế, thúc đẩy đầu tư nhằm mở rộng sản xuất, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ... Những cơ hội này còn mở rộng hơn nữa khi Hiệp định Đối tác song phương về quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Nó sẽ giúp duy trì và mở rộng thị trường cho sản phẩm gỗ của Việt Nam tại EU, nâng cao hình ảnh quốc gia và thương hiệu cho ngành công nghiệp gỗ. Cùng với đó, nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản… đang ấm dần khiến nhu cầu nhập khẩu gỗ tăng cao. Việc Hoa Kỳ đang tạo áp lực về thuế chống bán phá giá với Trung Quốc - quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn nhất thế giới - cũng tạo cho nước ta nhiều thuận lợi để gia tăng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.
Thách thức lớn
Tại Hội nghị thường niên Đối tác Lâm nghiệp năm 2015 mới đây, Phó chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, thách thức lớn của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam hiện nay là phải đối mặt với việc gia tăng xu hướng bảo hộ của Chính phủ các nước đối tác. Thị trường EU có kế hoạch tăng cường thực thi luật đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào các quốc gia trong khối... Cụ thể, theo các quy định của FLEGT, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp và chưa được xác minh. Chẳng hạn, nếu là gỗ rừng trồng tại Việt Nam thì phải được khai thác đúng theo luật pháp Việt Nam, hoặc được cấp chứng chỉ quản lý rừng của bên thứ ba đáng tin cậy… Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp trong ngành phải chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tuân thủ luật pháp, bảo đảm nguồn gốc của sản phẩm. Song, trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ nước ta hiện có quy mô vừa và nhỏ, thường mua gỗ của dân không lưu lại hồ sơ. Giấy tờ mua bán, hoặc có thì chỉ là giấy viết tay, không đầy đủ… Theo ông Hạnh, đây mới chỉ là một chi tiết rất nhỏ, còn rất nhiều quy định khác khó đáp ứng hơn mà doanh nghiệp buộc phải tuân thủ trong khi doanh nghiệp lại nắm bắt thông tin mơ hồ, chủ quan.
Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền chia sẻ một thách thức khác: phần lớn trong số 3.500 doanh nghiệp chế biến gỗ đang phải nhập khẩu tới 4 triệu m3 gỗ/năm, chiếm 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành cho xuất khẩu. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong tương lai sẽ có nguy cơ giảm mạnh khi giá nhập khẩu gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cũng sẽ yếu dần do không thể cạnh tranh nổi với những nước trong khu vực có khả năng tự cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc, Malaysia... Hơn nữa, với cách làm như hiện nay, doanh nghiệp chưa quản lý được toàn bộ quá trình vận chuyển gỗ nên khó chứng minh được nguồn gốc. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm của doanh nghiệp sẽ bị quy vào chế biến từ gỗ khai thác trái phép và mất thị trường là điều tất yếu.
Dồn sức cho vùng nguyên liệu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết, nước ta đang dẫn đầu các nước Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ với kim ngạch năm 2014 đạt 6,23 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2013. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU (51%), Hoa Kỳ (12%), Trung Quốc (16%), Nhật Bản (4%) và một số quốc gia khác như Australia, Canada, Hàn Quốc... Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng hệ số lợi nhuận và giá trị gia tăng chưa cao, nguyên nhân chính là doanh nghiệp chế biến lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước; đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tinh…
Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn cho ngành chế biến gỗ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Ts Nguyễn Bá Ngãi cho rằng, cần bám sát Đề án tái cơ cấu ngành, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với các trung tâm chế biến gỗ; quản lý bền vững và có hiệu quả tổng diện tích rừng sản xuất được quy hoạch là 8,4 triệu hécta; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế… Và, để tự cứu mình, các doanh nghiệp nên tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre; xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước.
Moctrangia.com là nhà sản xuất sản phẩm trực tiếp tại xưởng nên chi phí sản phẩm là giá gốc mang tính cạnh tranh nhất trên thị trường, bạn có thể yên tâm về giá cả và chất lượng của từng sản phẩm. Liên hệ trực tiếp cho chúng tôi qua Hotline: 0989 057 157 để được tư vấn miễn phí.
Showroom & xưởng: 101 Hà Huy Giáp, P. Thạnh Lộc, Q.12
E-mail: Moctrangia.com@gmail.com
Các bài khác
- »» ĐỒNG HỒ GỖ CHỈ RIÊNG NHÀ MÌNH CÓ (30.11.2017)
- »» TẠI SAO BÀN GHẾ CHÂN SẮT MẶT GỖ LẠI LÀ XU HƯỚNG HIỆN NAY? (17.02.2017)
- »» BÀN GHẾ VINTAGE CHO NHÀ HÀNG, QUÁN NHẬU, QUÁN CAFÉ.. (17.02.2017)